Nội Dung
#1. Chùa Hải Tạng
Từ Bãi Làng trên đảo Hòn Lao, men theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo chừng 300 m là đến xóm Cốm, nơi có chùa Hải Tạng uy nghi, cổ kính.
Đến thăm chùa Hải Tạng, thế nào bạn cũng đi qua cổng tam quan đầy rêu phong nhuộm cả màu thời gian. Tam quan với lối kiến trúc xưa gồm 4 trụ biểu, chóp trụ có khối hình hoa sen cao 5m, rộng 1,5m. Tam quan được chia làm 3 cổng, với hai lối vào nhỏ và một lối vào lớn được thiết kế theo kiểu mái vòm, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển và bên trên lợp ngói âm dương. Kết nối cổng tam quan là bức tường thành bằng đá bao bọc xung quanh được thiết kế trang nhã với những đường nét hoa văn gọn gàng bao quanh lấy khu vực và cả khuôn viên của ngôi chùa.
Phía trước chùa là tượng Phật Bà Quan Âm đang đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ, mặt hướng về phía biển Đông như che chở cho cuộc sống an lành của những ngư dân nơi đây. Sau khi làm lễ thắp hương tại tượng Phật Bà, từ đây du khách có thể vào tham quan ngôi chùa để trải lòng mình với Phật.
#2. Bãi Chồng
Bãi Chồng Cù Lao Chàm hiện đang là điểm thu hút khách du lịch dừng chân nhiều nhất khi đến với Cù Lao Chàm. Với diện tích 34.800m2, Bãi Chồng có bãi cát biển mịn xếp vào loại bậc nhất trên Hòn Lao, có thảm thực vật xanh mượt với những khe nước tự nhiên đổ xuống từ trên núi cao và những hình đá kỳ thú gợi trí tưởng tượng phong phú. Điểm xuyết cho bãi tắm cát trắng nước trong tuyệt đẹp là những hòn đá được thời gian mài tròn, xếp chồng lên nhau như biểu tượng âm – dương, vợ – chồng làm cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây vô cùng thơ mộng…
#3. Bãi Ông
Bãi Ông là một bãi biển đẹp trên đảo Cù Lao Chàm, khách du lịch thường hay ghé lại đây để thưởng ngoạn tắm biển. Bãi Ông đã trở thành điểm dừng chân khá lâu của các chương trình tour Cù Lao Chàm. Di tích Bãi Ông là nơi cư trú của cư dân Tiền Sa Huỳnh và là di tích có niên đại xưa nhất ở Hội An (3.000 năm) và là đối tượng quan trọng để nghiên cứu về Văn hoá Tiền Sa Huỳnh ở cả miền Trung nước ta.
#4. Giếng cổ ở Cù Lao Chàm
Giếng cổ ở Cù Lao Chàm (còn gọi là Giếng Xóm Cấm), đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2006. Cấu trúc của giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An. Giếng Xóm Cấm có kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Điểm đặc biệt là nước của giếng này không bao giờ cạn, cho dù là vào mùa khô kiệt nhất. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì nước Giếng Xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù Lao chàm bị say sóng thì lấy nước Giếng Xóm Cấm nấu với lá rừng của Cù Lao Chàm (chỉ người dân địa phương mới nhận biết và thường hái loại lá này) thì uống vào là hết say sóng.
#5. Suối Tình
Suối Tình được bắt nguồn từ đỉnh của các ngọn núi thuộc khu vực Hòn Lao, nguồn nước được chắt chiu vào mùa khô và dồn chảy vào mùa mưa, dòng nước vượt qua những thác ghềnh để cuối cùng đổ về khu dân cư Bãi Làng – Cù Lao Chàm.
Ở đây, có nước chảy mạnh tạo nên dòng thác xối xuống làm cho hòn đá dưới bị khuyết lõm giống như hình hột xoàn luôn đầy nước mát lạnh, nếu được tắm mình trong đấy thì thật sảng khoái vô cùng. Phía trên lại có hòn đá to trải bằng, rộng lớn, có thể nằm vừa hong nắng, vừa tâm tình. Tỏa bóng mát cho cả khu vực là cây cừa xanh tốt rợp mát quanh năm luôn vang rền tiếng ve vào mùa hè và tiếng chim làm tổ rủ rỉ vào mùa đông.
#6. Bãi Làng
Bãi Làng Cù Lao Chàm là bãi biển trung tâm của Hòn Lao trong quần đảo Cù Lao Chàm, là khu vực dừng chân đầu tiên trong hầu hết của các chương trình tour Cù Lao Chàm. Khu vực Bãi Làng có nhiều không gian bằng phẳng thuận lợi đi lại và sinh hoạt nên nơi đây có mật độ dân cư đông nhất trên Hòn Lao và Bãi Làng cũng là khu vực có nhiều điểm tham quan và mua sắm.
Trước đây khi còn hoang sơ, Bãi Làng vừa là nơi sinh sống vừa là bãi tắm cho khách du lịch, nhưng sau một thời gian phát triển du lịch, Bãi Làng hiện tại là điểm tập kết ban đầu, tham quan và mua sắm, còn các hoạt động tắm biển, lặn ngắm san hô, chơi thể thao trên biển, vui chơi trên bãi biển thường các Công ty du lịch sẽ đưa khách sang các bãi biển khác như Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Xếp, Bãi Bìm,… việc di chuyển thường được thực hiện bằng Cano hay thuyền gỗ
#7. Đảo yến Cù Lao Chàm
Đảo Yến trên Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm được xem như là vương Quốc của Chim Yến ở miền Trung. Hàng năm, vào cuối tháng 11 âm lịch, yến bắt đầu làm tổ theo một cách rất độc đáo: yến nhả nước bọt thành những dãi trắng lên những vách đá cheo leo của các hang động trên đảo. Dãi yến mới nhả ra có màu trắng phớt hồng, gặp gió quánh lại, chuyển thành màu trắng đục.
Cù lao Chàm là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam có loài chim Yến hàng – Collocalia Fuciphaga Genmaini Oustalet, thuộc phân giống Yến hông xám (Swiftlets), giống Collocalia, họ Apodidac, bộ Yến Apdiformes. Chim Yến có vóc dáng chỉ nhỏ bằng chim sẻ, hông và bụng màu xám, toàn thân nâu đen; cánh dài (115-125mm), vút nhọn, bay rất khoẻ, đuôi ngắn, chẻ đôi; mỏ ngắn, dẹp, có thể há rất rộng.
#8. Nhà Bảo tàng biển Cù lao Chàm – Đi Cù Lao Chàm từ Đà Nẵng
Điểm dừng chân đầu tiên khi thuyền cập bến tàu Cù lao Chàm chính là nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm. Đây là nơi các bạn có thể tìm hiểu lịch sử hình thành, các phong tục truyền thống, các lễ hội, các sản vật biển… của vùng đảo này, giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về hòn đảo và con người nơi đây.
#9. Miếu tổ nghề Yến
Nằm ở Bãi Hương, Miếu Tổ nghề Yến được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ tổ nghề Yến và các vị thần bảo hộ nghề Yến. Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 AL, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị cho vụ khai thác mới.
#10. Bãi Hương Cù Lao Chàm
Bãi Hương Cù Lao Chàm là địa điểm du lịch Cù Lao Chàm tự túc nằm về phía Tây Nam của Hòn Lao, Bãi Hương có hơn 100 hộ dân cư sinh sống, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, khai thác hải sản. Làng chài – Bãi Hương có tên cổ là Làng Phú Hương, nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn truyền thống nghề chài lưới của cư dân vùng biển Cù Lao Chàm