Nội Dung
Các địa điểm du lịch ở Sơn La
Cùng Phượt – Nếu yêu thích du lịch sinh thái vùng cao, khi đến Sơn La các bạn sẽ có nhiều cơ hội ngắm nhìn những vẻ đẹp hoang sơ của những loài hoa đẹp lạ, những đỉnh núi cao mây vờn, những dòng suối nước trong veo và cả tấm lòng chân chất, hiếu khách của người dân bản xứ. Hương vị thơm nồng của rượu cần hòa quyện cùng điệu xòe bên ánh lửa bập bùng sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng du khách. Mùa xuân về, hoa ban nở trắng càng tô thêm vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc trên suốt cuộc hành trình khám phá các địa điểm du lịch ở Sơn La.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Hung Nguyen Van, Tran Kien Trung, imax_73, dmdviet, chieuanh, hhxuanthy, phong2v, Hiền Phan, Dinh Dang, lanamquoc, Trung Kiên Đoàn, Lương Cao Dũng, Đăng Định, Sonvc, Hữu Nam Lê, * t h u y, thuykyanh, Line_ Dancer, Tạ Việt Hải, hachi8, Xóm Nhiếp Ảnh, Cao Xuân Hoàng, Tú Mán, Le Hong Ha, Rùa Michael, Ton Ten, Lê Việt Khánh, Lo Lung Lang, Anh Đức, Trường Bờm, Công Nông Lên Dốc, Đừng Ngoảnh Lại, Tuong Vi Phong, Thanh Sơn HP, Mai Hà, Vũ Tuấn, Lục Thum, Phong, Tran Anh Ngoc, Lò Luận, Tado 79 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Cụm du lịch Sông Đà
Lòng hồ sông Đà trên thủy điện Sơn La (Ảnh – Tran Kien Trung) |
Du lịch Sông Đà là đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử của con người qua các di chỉ khảo cổ, đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cảnh núi cao, sông rộng, rừng xanh ngút ngàn, thác đổ, khung cảnh hoang sơ, đến với những con người thật thà, mến khách, nền văn hóa đặc sắc. Sông Đà chảy qua tỉnh Sơn La dài 280 km với 32 phụ lưu lớn nhỏ. Từ ngàn xưa sông Đà là con đường thông thương giữa nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng, nhân dân dân tộc Tây Bắc nói chung với miền xuôi.
Ngược dòng sông Đà, theo con đường của các đoàn thuyền buôn từ Chợ Bờ du khách sẽ đến bến Vạn Yên, bến Tà Hộc, và bến Tạ Bú – điểm khởi công công trình thủy điện Sơn La. Dọc theo chợ Bờ đến Tạ Bú là vùng hồ thủy điện Hòa Bình, là nơi có nhiều hang động đá có giá trị khảo cổ học, bởi trong hang người ta đã phát hiện những mảnh tước đá, rìu đá, hòn kê, hòn mài (hang Tắng, bản Bông Lan, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên). Dọc bờ sông Đà du khách sẽ được khám phá đời sống văn hóa các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Dao. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng nhưng họ cũng có đặc điểm chung của người dân tộc đó là tính cách thật thà và mến khách, sống hòa thuận, dễ dàng bắt gặp họ tụ họp trong những phiên chợ nổi trên sông Đà làm cho vùng sông nước thêm náo nhiệt hấp dẫn. Vào chính phiên chợ, các chàng trai, cô gái trong những trang phục mới đầy màu sắc nườm nượp trên bến, dưới thuyền làm sống động phiên chợ. Lưu lại qua đêm dưới mái nhà sàn ấm cúng của các dân tộc nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản dân tộc, ngây ngất trong men ngọt rượu cần, hòa đồng trong vòng xòe, nghe người già kể những truyền thuyết, huyền thoại Sông Đà. Vùng hồ sông Đà là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình du lịch Tây Bắc của du khách.
Thành phố Sơn La
Bảo tàng tỉnh Sơn La
Bảo tàng Sơn La (Ảnh – cungphuot.info) |
Bảo tàng Sơn La nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Bảo tàng và Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Bảo tàng chủ yếu trưng bày nội dung về dân tộc, là nơi lưu giữ và trưng bày hàng ngàn di vật từ thời tiền sử, sơ sử, những hiện vật phản ảnh nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em sống ở Sơn La. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được bộ sưu tập sách chữ Thái cổ, Dao cổ với gần 1000 cuốn thuộc các thể loại như sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian…
Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La (Ảnh – imax_73) |
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân.
Năm 1930 phong trào đấu tranh chống Pháp dâng cao đã làm kẻ địch bất ngờ, chúng lồng lộn tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng. Mặt khác tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước trong đó chúng đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La. Năm 1940, Nhà tù Sơn La được mở rộng thêm một trại giam lớn để giam thêm tù nhân và đưa một số tù nhân nữ lên Sơn La nhưng âm mưu đó đã không thực hiện được.
Xem thêm bài viết : Một số hình ảnh về Di tích nhà tù Sơn La
Bản Mòng
Suối nước nóng bản Mòng thuộc bản Mòng, xã Hua La nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7km. Trong những năm gần đây khu vực này đã và đang trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Dòng suối khoáng với nhiệt độ từ 36oC đến 38oC, với các đặc tính lý hóa, thành phần khoáng chất tự nhiên rất tốt cho việc chữa trị một số bệnh ngoài da, thấp khớp, thần kinh, tim mạch. Trước năm 1997, dịch vụ tắm nước nóng chỉ là hình thức tự phát do một số hộ dân đầu tư xây bể tắm công cộng phục vụ người dân. Từ năm 1997 đến nay đã được HTX dịch vụ thương mại Hua La khai thác theo hình thức dịch vụ với những phòng tắm được thiết kế, trang trí hợp lý, sạch sẽ, vệ sinh.